7/6/13

VỀ SỰ THUẦN CHẤT CỦA TIẾNG VIỆT

Trịnh Thanh Thủy


Đã có người từng thắc mắc không biết tiếng Việt có phải là một ngôn ngữ thuần chất hay không?Còn có người cho rằng người Việt vì sống tha hương nên ngôn ngữ VN họ dùng để nói và viết theo thời gian sẽ mất dần đi tính thuần chất. Tiện đây, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem "Có hay không có một ngôn ngữ VN thuần chất?".

Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, một ngôn ngữ là một phương pháp nói hay viết mà con người dùng để giao tiếp, cảm thông nhau. Ngôn ngữ được biểu hiện bằng một hệ thống ký hiệu và ngữ pháp. Ngày nay trên thế giới có khoảng từ 5.000 tới 6.000 ngôn ngữ khác nhau.

Tiếng địa phương (dialect) hay thổ ngữ hoặc phương ngữ là những dạng khác nhau của ngôn ngữ. Tiếng địa phương thay đổi theo từng cộng đồng ở mỗi hoàn cảnh, mỗi địa dư khác nhau. Không có một lằn ranh rõ rệt nào giữa ngôn ngữ và tiếng địa phương. Có vào khoảng 200 ngôn ngữ trên thế giới được nói bởi hàng triệu tiếng địa phương khác nhau. Tiếng Tàu và tiếng Anh là những ví dụ điển hình.

Thông thường, nếu có hai người nói chuyện với nhau mà người này không hiểu lời nói của người kia, họ thường nghĩ rằng họ đang nói hai ngôn ngữ khác biệt. Thực ra có thể họ đang nói cùng một ngôn ngữ nhưng nói hai thứ tiếng địa phương hoặc người này không hiểu người kia vì trình độ, tư tưởng, văn hóa, chính trị hay môi trường xã hội khác hẳn nhau.

Ý nghĩa của một từ có thể có sức mạnh giết người hay thúc đẩy một người hy sinh mạng sống của mình. Tỷ như những từ dùng để nhiếc móc, lăng nhục, chửi rủa, hạ phẩm giá một người như "đồ mọi rợ", "đồ súc sinh", "con đĩ", "con heo". Nghĩa của những từ này có tác động gia tăng và kích thích cảm xúc của người nghe hoặc đối tượng. Cái tiện lợi chính trong hệ thống ký hiệu ngôn ngữ là tính bất định và mềm dẻo của nó. Người ta có thể tạo ra nhiều ký hiệu, nhiều nghĩa mới và chúng cũng có thể đổi thay.

Ngôn ngữ tiến hoá để đáp ứng điều kiện lịch sử và xã hội. Có những ngôn ngữ sau một hay nhiều thế hệ xảy ra sự biến dạng. Chuyện ngôn ngữ này bị ảnh hưởng hay vay mượn ngôn ngữ kia là chuyện thường. Tỷ như tiếng Hà Lan (Dutch) đã mượn tiếng Đức (German) nhiều từ ngữ. Khi tình trạng này xảy ra, tính thuần chất của tiếng Hà Lan nguyên thuỷ có còn không? Và ai có thể biết được tiếng Đức mà Hà Lan đi mượn có phải là tiếng Đức thuần chất không hay nó cũng vay mượn của một ngôn ngữ khác? Tiếng Anh cũng vậy. Tiếng Anh có khoảng 60% từ ngữ mượn của tiếng Pháp và tiếng Latin trong đó. Ngoài ra nó còn là kết hợp của tiếng Hà Lan, Scandinavian, Brittonic, Goidelic Celtic, Anglo-Saxon. Đến nỗi Lars Hendrik Mathiesen đã có câu: "Anh ngữ là một con điếm”.

Có lẽ hệ thống chữ viết phức tạp nhất thế giới là chữ viết của Nhật. Nó bao gồm những ký hiệu của nhiều loại chữ viết khác nhau. Đôi khi chỉ trong một câu có đến 4 loại chữ được dùng như chữ Kanji, Katakana, Hiragana và chữ Latin. Một người Nhật trí thức cần nhận biết ít nhất khoảng 2000 ký hiệu chữ Kanji. Sự phức tạp trong hệ thống chữ viết này giúp người Nhật rất nhiều trong việc dễ dàng đáp ứng trước sự thay đổi của ngôn ngữ. Nhất là những từ ngữ mới về kỹ thuật đang được sản sinh và ồ ạt chảy tràn trên khắp thế giới do sự hưng thịnh của kỹ nghệ điện toán. Kết quả là người già ở Nhật, những người có giáo dục vài thập niên trước đây, bây giờ bỗng gặp khó khăn trong việc đọc những tạp chí, sách báo truyền thông nhất là sách báo dành cho giới trẻ ngày nay.

Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay đã chịu sự đô hộ của Trung Hoa một thời gian quá dài. Hơn nữa người Hoa vốn chủ trương đồng hoá người Việt nên họ dùng đủ mọi cách để tiếng Hán thâm nhập sâu xa vào văn hoá, đời sống dân tộc Việt. Theo tài liệu phổ thông, tính tới nay tiếng Việt có khoảng 60% từ ngữ gốc Hán . Con số thống kê này chỉ là một phỏng đoán vì chưa có cơ quan hay tổ chức nào đứng ra nghiên cứu và xét nghiệm cả. Theo Taberd (1838), “tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng Hán”. Cơ sở để Taberd đưa ra ý kiến này là trong vốn từ của tiếng Việt hiện nay thì từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số. Tuy nhiên, mặc dù có tới 75% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán nhưng đại đa số những từ đó đều là những từ văn hoá (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội). Do đó, chúng phải là những từ vay mượn, chứ không phải là những từ mang tính nguồn gốc. Và theo Maspéro (1912): Bất cứ từ Hán nào vào tiếng Việt đều phải chịu sự chi phối của cơ cấu tiếng Việt" ("Cơ sở xác định nguồn gốc tiếng Việt qua 2 bài báo của A.G. Haudricourt”).

Ngoài ra Trung Quốc là một nước đa văn hoá, đa ngôn ngữ, ngay chính tiếng Hán cũng có nhiều sự pha trộn ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau. Khác đến nỗi hai người Hoa không thể hiểu nhau được phải dùng bút đàm trong khi giao tiếp. Như vậy những từ Hán Việt mà chúng ta vay mượn từ Trung Hoa cũng chưa chắc là một loại Hán tự thuần chất.

Khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp đã dùng chính sách chia để trị, phân nước ta làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Họ cố tình chia rẽ và rạch ròi sự khác biệt trong tiếng địa phương của ba miền để người dân ba miền chế giễu, kỳ thị, ghen ghét lẫn nhau. Tiếng Pháp dần dần được Việt hoá như pompe thành bơm, manchon thành (đèn) măng-xông, savon là xà-bông… Tiếng Việt bị ảnh hưởng Pháp ngữ không ít qua một trăm năm thân phận thuộc địa.

Việt Nam là một nước đa ngôn ngữ, đa văn hoá. Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ chính, còn có các ngôn ngữ khác của dân tộc thiểu số như: Thái, Chăm, Khmer, Ê Đê. Ở vùng núi phía Bắc Việt Nam còn có 5 ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết như Dao, Hà Nhì, Ksing Mul, La Chí, Xá Phó. Vì quá trình giao tiếp giữa tiếng Việt và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, tiếng Việt ở các vùng dân tộc thiểu số đã bị xáo trộn và biến dạng.

“Tiếp xúc ngôn ngữ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ và thậm chí có thể làm nảy sinh một ngôn ngữ mới. ... Lối tiếp xúc, ảnh hưởng như thế, ngay gần đây, người ta vẫn còn có thể kiểm chứng được trong không hiếm ngôn ngữ hiện đang tồn tại. Ví dụ:
Tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc lâu đời với tiếng Hán, đã vay mượn vào vốn từ của mình một khối lượng rất lớn các từ và yếu tố tạo từ cùng với một số ảnh hưởng khác về mặt ngữ pháp; nhưng không vì thế mà nó thuộc cùng một nhóm gần gũi về cội nguồn với tiếng Hán.

Ở châu Âu, quan hệ giữa tiếng Anh với tiếng Pháp; tiếng Rumani với các ngôn ngữ Slave và tiếng Hi Lạp, tiếng Hung, người ta cũng thấy những tình hình tương tự: tiếng Anh vẫn thuộc số các ngôn ngữ German, còn tiếng Pháp, tiếng Rumani vẫn thuộc về các ngôn ngữ Roman.
Theo A. G. Haudricourt, người Sán Chấy ở Việt Nam vốn là người Dao gốc Quý Châu (Trung Quốc), di cư đến Quảng Đông rồi di cư sang Việt Nam sống chung với người Tày, Nùng. Tại đây, ngôn ngữ của họ, tiếng Sán Chấy, là một ngôn ngữ pha trộn gồm cơ tầng Dao với tiếng Tày Nùng.”

(Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến: “Nguồn gốc và diễn tiến ngôn ngữ”)

Như vậy, điểm nổi rõ về mặt ngôn ngữ trong thời kì công xã nguyên thuỷ, thời kì của các thị tộc, bộ lạc là luôn luôn diễn ra quá trình chia tách và liên minh, tiếp xúc. Một mặt, sự chia tách làm gia tăng số lượng các ngôn ngữ khác nhau hoặc các phương ngữ, thổ ngữ khác nhau trong một ngôn ngữ; mặt khác, sự tiếp xúc lại dẫn đến tình trạng gần nhau, tới một mức nào đó sẽ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ.

Cuốn sách lịch sử ngôn ngữ Việt không ngừng sang trang. Vì định mệnh khắc nghiệt, Việt Nam bị phân đôi thành hai miền Nam, Bắc, mỗi miền theo một ý thức hệ khác nhau. Tiếng Việt một lần nữa chịu thêm sự pha trộn do sự tiếp xúc với ngoại ngữ. Miền Nam chịu ảnh hưởng tiếng Anh của Mỹ và miền Bắc chịu ảnh hưởng các thứ tiếng Nga, Tàu và Đông Âu. Trong suốt giai đoạn từ 1945 tới 1975 tiếng ngoại quốc thâm nhập miền Bắc qua sự phiên âm, phiên chuyển, chuyển tự và Việt hoá như Mát-xcơ-va (đọc tắt là Mát), Anh-xtanh, Lép Tônstôi, Bo-côn-sky, Xô viết Nghệ tĩnh, Xla-vơ, Vôn-ga, v.v… Còn ở miền Nam, tiếng Anh cũng góp phần làm giàu vốn từ vựng tiếng Việt qua:cao-bồi (cow-boy), tiếng bồi (boy), ti-vi (viết tắt của television: máy truyền hình), năm-bờ-oăn (number one: số 1), máyra-da (radar), vi-xi (giọng đọc tiếng Anh của vc, viết tắt của Việt cộng), oẳn tù tì (trò chơi one-two-three), ô-kê salem(ok), v.v…

Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ của tư duy

Sau năm 1975, sự thống nhất đất nước đã khiến một số người Việt đáng kể phải ra hải ngoại sinh sống. Những người này mang theo ngôn ngữ đã dùng ở miền Nam trước 1975, tạm gọi là phương ngữ. Kế đến là làn sóng vượt biển rồi chương trình H.O., đoàn tụ gia đình, làm gia tăng dân số người tị nạn. Những người qua sau đã sống và quen với cách dùng phương ngữ trong nước một thời gian dài sẽ tiếp tục dùng nó nơi họ mới định cư. Sự thâm nhập ngôn ngữ này có tác dụng làm thay đổi và ảnh hưởng những phương ngữ của người Việt hải ngoại đang dùng.

Ngược lại, với sự mở rộng cánh cửa giao thương, đón ngoại kiều và Việt kiều vào nước, Việt Nam đã và đang đối diện với ngoại ngữ đang ào ào theo gió tràn vào. Người dân trong nước hiện nay rất thích học, nói và dùng Anh ngữ trong sinh hoạt thường ngày, nhất là giới trẻ. Cộng thêm với sự chạy đua cho kịp đà tiến hóa văn minh kỹ thuật thế giới, cập nhật hoá các từ ngữ y khoa, kỹ thuật, tin học, tiếng Việt thay đổi rất nhiều.

Đây là vài thí dụ điển hình của sự khác biệt trong cách dùng từ ngữ của người trong và ngoài nước:

Trong nước
Ngoài nước
Đăng ký
Ghi tên, ghi danh
Tham quan
Đi thăm, đi xem
Khẩn trương
Nhanh lên
Chảnh
Làm cao, kênh kiệu
v.v...

Hiện thuvienvietnam.com có nhã ý sưu tầm, đưa lên mạng những phương ngữ và cách dùng khác biệt của cả trong và ngoài nước. Mục đích để giúp người Việt cập nhật hoá vốn từ vựng mà họ không hiểu hoặc khiếm khuyết do cách trở địa dư. Nó còn là một nhịp cầu cảm thông giúp người Việt trong và ngoài nước hiểu rõ nhau qua phương ngữ.

Qua những dẫn chứng trên tôi có thể đi đến một kết luận: "Việt Nam không có một ngôn ngữ thuần chất". Có hay chăng chỉ có thể là ngôn ngữ đầu tiên được nói bởi loài người.

Nếu có, câu hỏi kế tiếp sẽ được đặt ra là "Có một ngôn ngữ đầu tiên hay không?" hay "Có một hay nhiều ngôn ngữ đầu tiên?" Và làm sao thứ ngôn ngữ đầu tiên này không bị ảnh hưởng hay thâm nhập bởi một ngôn ngữ khác khi giao tiếp giữa giống người này với giống người khác, bộ lạc này với bộ lạc kia khi thế giới rất là rộng lớn? Khi có sự giao tiếp, ngôn ngữ chuyển động. Nhờ chuyển động nên nó bất tử.

Nguời Việt hải ngoại hàng ngày phải dùng và tiếp xúc với ngoại ngữ. Do lòng yêu nước và yêu tiếng Việt thúc đẩy, họ, những người chưa bao giờ cầm viết bắt đầu cầm viết; người đã cầm viết, tiếp tục viết. Viết, đối với họ là một nhu cầu để bày tỏ những cảm nghĩ, tư duy, tình cảm về đời sống tha hương. Họ có lợi thế là tiếp xúc đượcthường xuyên hơn với với văn học thế giới . Hơn nữa nhờ điều kiện địa dư, định cư khắp nơi trên thế giới, họ có nhiều cơ hội để tìm tòi và khai phá cái hay cái lạ của ngôn ngữ, văn hoá xứ người hơn người Việt trong nước. Một khi văn bản của người viết hải ngoại có ảnh hưởng chất “đặc thù” của các ngôn ngữ và văn hoá địa phương, nó không những không làm mất đi cái hay của tiếng Việt, mà còn đánh thức tiềm năng sẵn có của tiếng Việt, tạo thêm nhiều chiều kích mới cho ngôn ngữ Việt Nam.

Có người viết với mục đích thổi về quê mẹ những luồng gió hay lạ của văn học, văn hoá thế giới, bổ sung cái khiếm khuyết mà vì điều kiện địa dư, hoàn cảnh của hệ tư tưởng, người trong nước chưa từng hay chưa bao giờ được đọc, được thưởng thức. Có người viết để khơi mở, khai phá, đổi mới nền văn học quá cũ kỹ, bảo thủ, thành kiến, từ chương ở trong nước.

Có thể lấy ví dụ: Những bài thơ rất lạ và mới, có nội dung sâu xa, súc tích của Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Đăng Thường, Thường Quán, Đỗ Kh., v.v.; những công trình sáng tác, dịch thuật, văn chương của Hoàng Ngọc-Tuấn, Diễm Châu, Phạm Thị Hoài, Hoàng Ngọc Biên, Dũng Vũ, và của rất nhiều tác giả khác nhau trên sách báo, tạp chí, các websites văn học nghệ thuật như Tiền Vệ, talawas… Những bài tiểu luận nhận định, phân tích và phê bình văn học của Nguyễn Hưng Quốc đã là chiếc chìa khoá phê bình khai mở lý thuyết văn học Việt Nam, xác định được vị trí của nền văn học Việt Nam đang đứng ở chỗ nào so với nền văn học thế giới. Nó có tác dụng nổ máy chiếc xe cũ kỹ văn học Việt Nam đã từ lâu nằm yên trong nhà xe bụi bặm. Chiếc xe ì ạch chạy, không biết chạy về đâu và có suôn sẻ không? Nhưng người ta không nên phủ nhận hay bội bạc công khó của nó đã góp phần trong việc làm nổ máy chiếc xe.

Văn học hải ngoại là một nhánh khác của nền văn học Việt Nam, là hiện thân của tiếng Việt, là tiếng địa phương hay phương ngữ của tiếng Việt. Văn học hải ngoại tự nó phát sinh, tự nó tồn tại và sẽ còn tồn tại khi còn người Việt ở hải ngoại. Nếu chẳng may nó bị thoái hoá hay biến mất theo thời gian, ấy là một điều bất hạnh, nhưng hiện nay nó vẫn đứng song song, không phụ thuộc vào nhánh văn học trong nước và hoạt động rất tự do như người viết hải ngoại vậy.

Người Việt hải ngoại vì sự trớ trêu của lịch sử đã phải viết và nói một thứ tiếng Việt có đôi khi khác với tiếng Việt ở trong nước, nhưng đừng vì thế mà phủ nhận, kỳ thị, gây chia rẽ giữa người Việt với nhau. Sự khác biệt nếu có chăng cũng chỉ tạo nên nét đa dạng, sự phong phú, tính đa văn hoá của ngôn ngữ. Tính đa văn hoá này lại phù hợp với nét đặc thù của văn chương nghệ thuật toàn cầu thời hậu hiện đại. Nó không những làm giàu mà còn làm mới cho tiếng Việt từ lâu quá cũ kỹ, nằm yên trong chiến tranh bao nhiêu năm và vì sự bó buộc của ý thức hệ đến nỗi ù lì, chậm lớn, kém phát triển. Bây giờ nó mới bắt đầu được chắp cánh, nếu chỉ vì những ý tưởng bảo thủ, nặng phần tư kiến chủ nghĩa mà lại cắt cánh nó đi, nó sẽ như con ngựa bị che mắt, chỉ biết đi về một hướng, hướng của bó cỏ phía trước đầu ngựa. Chúng ta đang sống ở thời văn học hậu hiện đại, xin đừng đi giật lùi về cái thời xe ngựa cổ xưa. Kể cả ngôn ngữ chúng ta đang nói và viết, đừng bắt tiếng Việt đóng khung, buộc ràng cho nó chậm lớn như cách bó cây, ép kiểng để trở thành một thứ bonsai dị dạng.


Tài liệu tham khảo
Trần Văn Thủy. Nếu đi hết biển (chương trình nghiên cứu của University of Massachusetts Boston). Nxb Thời Văn 2004
Bách khoa tự điển Wikipedia
Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. “Nguồn gốc và diễn tiến của ngôn ngữ”, trích Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 38–44.
Thư viện Việt Nam
“Cơ sở xác định nguồn gốc tiếng Việt (qua 2 bài báo của A.G. Haudricourt)”
Hoà Nguyễn. “Trao đổi với Đoàn Tiểu Long”.
Hoàng Thị Châu. “Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” 


Nguồn: tác giả

http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-ca-nhan/836-trinh-thanh-thuy-ve-su-thuan-chat-cua-tieng-viet.html