21/5/13

Phép lịch sự xã giao là gì?

Phép lịch sự xã giao là phép xử thế giữa người với người trong đời sống xã hội, nhằm bày tỏ lòng tự trọng và thái độ tôn trọng mọi người trong quan hệ xã hội. Điều này càng quan trọng khi tiếp xúc với người nước ngoài, vì trong trường hợp đó, ta đại diện cho dân tộc, cho địa phương chứ không còn là cá nhân.


Cách thể hiện phép lịch sự thì có nhiều, song đại thể có thể lưu ý những điều sau đây:

- Ăn mặc phải chỉnh tề, nam mặc Com-lê, đeo Cra-vát, quần áo là phẳng, đi giầy, không đội mũ trong phòng, đầu chải gọn (mùa nóng thì mặc áo sơ mi cho vào trong quần, đeo Cra-vát hoặc mặc bộ ký giả) nữ mặc áo dài, có trang điểm nhưng tránh loè loẹt.

- Khi gặp khách thì chào hỏi, bắt tay (không nhất thiết phải dùng hai tay và giữ lâu trong tay mình). Khi bắt tay, tránh bóp mạnh hoặc hời hợt. Ở chỗ đông người, chào và bắt tay trước với người có cương vị cao hơn, người cao tuổi và phụ nữ. Khi bắt tay phải nhìn vào mắt người mình bắt tay, không nên nhìn đi nơi khác. Không nên một tay đút túi áo, túi quần, còn một tay bắt tay khách. Gặp một cặp vợ chồng, nên bắt tay người vợ trước. Bắt tay phụ nữ không nên nắm chặtt tay quá như bắt tay nam giới. Có nước phụ nữ không bắt tay, chỉ chắp tay trước ngực. Trong trường hợp đó, ta không chủ động chìa tay bắt tay.

- Đối với người thân quen thì có thể ôm hôn, song thực ra chỉ chạm má. Tuy nhiên, cũng tuỳ cử chỉ của khách, nếu khách có dấu hiệu thân mật muốn ôm hôn (ví dụ, khi trông thấy ta thì mở rộng cánh tay tiến nhanh đến) thì hãy ôm hôn. Với phụ nữ lại càng cẩn thận hơn. Có người (ví dụ: Mỹ La-tinh) vừa ôm vừa vỗ lưng, có người (như người Nga) hôn 3 lần.

- Hết sức tránh bá vai, bá cổ, dắt tay, vỗ đùi, đập vào người khách.

- Ăn nói khiêm nhường, từ tốn song vui vẻ, cởi mở tránh để tiếp xúc buồn tẻ ngoài những thời điểm chính thức, có thể nói chuyện đời thường song tránh suồng sã, tếu, tục tĩu.

- Khi ngồi thì tránh vắt chân chữ ngũ, rung đùi. Không ngồi nghiêng ngửa, dạng chân, luôn luôn giữ mình ở tư thế bình thản, đàng hoàng. Phụ nữ nên ngồi khép chân.

- Đi đứng với tư thế chững chạc, đàng hoàng, không điệu bộ, khệnh khạng. Người làm công tác đối ngoại phải chăm lo đến dáng đi, dáng đứng, cách đi cách đứng của mình, vì đi, đứng cũng là tri thức, là văn hoá.

- Khi đi và khi vào cửa cần nhường khách đi trước hoặc cùng vào.

- Chú ý chăm sóc phụ nữ: đỡ áo, nhường đi trước khi ra vào phòng lên cầu thang nhường phụ nữ đi về phía có tay vịn. Cần giúp đỡ phụ nữ khi họ lên, xuống xe ôtô và các phương tiện giao thông khác.

- Khi ăn mời khách trước, tránh ép khách ăn uống nếu khách tỏ ra miễn cưỡng bản thân ăn uống từ tốn, tránh gây tiếng động. Không nói chuyện trong khi mồm còn thức ăn. Không uống say, nói to, muốn hút thuốc phải xin phép người ngồi cạnh (tốt nhất là nhịn hút). Khi xỉa răng hoặc ho, hắt xì hơi phải che miệng. Nếu bị ho, sặc nên xin phép ra ngoài khi ổn định hãy vào.

- Muốn vào phòng khách phải gõ cửa, khi được phép mới vào. Trong phòng khách, khi có lời mời ngồi mới được ngồi. Khi thấy các bà vào phòng khách, nam giới nên đứng dậy để làm quen. Khi có khách cấp cao, khách chính vào cũng phải đứng dậy, gật đầu chào.

http://fad.danang.gov.vn/default.aspx?id_NgonNgu=VN&id_ThucDon_Sub=109&TinChinh=0&id_TinTuc=3740&TrangThai=BanTin