Hiển thị các bài đăng có nhãn Tín ngưỡng dân gian. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tín ngưỡng dân gian. Hiển thị tất cả bài đăng

18/5/13

TỤC THỜ ĐÁ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM

NGUYỄN VIỆT HÙNG

Khái niệm “tín ngưỡng” chúng tôi dùng ở đây với ý nghĩa là “hình thức tôn giáo sơ khai”, tức là tín ngưỡng là hiện tượng “có trước, dưới thành tố tôn giáo. Tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng cùng nghi lễ, không phải chỉ một tín ngưỡng đủ thành một tôn giáo” ( 5/ 325 ).

I. Ý nghĩa của tục thờ đá 

Có thể nói rằng, đá là chất liệu đầu tiên, gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh. Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loại người (khoảng vài triệu đến tám vạn năm trước công nguyên). Với một khoảng thời gian lớn như thế, thì ấn tượng về đá trong con người chắc hẳn phải rất sâu sắc. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với hang (đá), đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa… Nói chung, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…).